GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 10
Cuốn “Văn hiến xứ Đông” của tác giả Nguyễn Hữu Oanh được coi là một công trình địa chí, lịch sử, văn hóa Hải Dương, như một quà tặng của xứ Đông địa linh nhân kiệt, giàu đẹp, văn hiến và luôn chào đón bè bạn gần xa.
Một tập sách dầy 400 trang in trên khổ giấy 14.5cm x 20.5cm là tâm huyết và trăn trở, kỳ công và thành kính, giản dị mà thâm trầm sâu sắc… Người đọc ngỡ ngàng nhận ra một xứ Đông tầng tầng trầm tích văn hóa, văn hiến, có một thời tưởng như đã ngủ yên, đã bị phủ mờ bởi thời gian và biến động, đôi khi bị quên lãng. Từ các bậc thức giả khó tính đến bạn đọc đại chúng như cùng hòa đồng, nghiền ngẫm lại những trang sử hào hùng của dân tộc; những sự kiện văn hóa lịch sử được khởi dựng lại nghiêm cẩn và minh triết, khoa học; những tên tuổi sự nghiệp danh nhân được soi rọi, tỏa sáng; những địa danh lịch sử được xác tín, minh định; những công trình văn hóa tâm linh được phục dựng, tỏa rạng…
Bằng tâm huyết và công sức được cống hiến cho sự nghiệp văn hóa, giáo dục của quê hương Hải Dương nhiều năm, tác giả đã đúc kết lại, ghi nhớ lại công cuộc tìm kiếm, phục dựng, tôn tạo, khai mở… lớp trầm tích văn hóa Văn hiến xứ Đông trong thời kỳ đổi mới (1997-2006) mà ông và các đồng chí, đồng sự của mình đã cùng người dân quê hương góp công sức xây dựng.
Là một công trình tiểu luận, biên khảo, ghi chép, nhưng Văn hiến xứ Đông lại dẫn dụ người đọc bởi một phong cách thấm đẫm chất văn và dã sử, phóng sự… với 5 phần như 5 cung bậc, 5 khúc biến tấu của một bản đại hợp xướng.
Phần I: Cung thỉnh tiền nhân
Là cuộc đối thoại tưởng như của tác giả với chính ông, mà người đóng thế là Giáo sư Hoàng, một người bạn thân thiết, để câu chuyện sinh động, lúc tung hứng, lúc lục vấn, phản biện. 15 công trình văn hóa tâm linh quan trọng bậc nhất xứ Đông và cũng là tiêu biểu quốc gia mà tác giả được tham gia tìm kiếm, phục dựng, tôn tạo, như khu văn hóa Kiếp Bạc, khu văn hóa Côn Sơn, đền thờ Chu Văn An, Văn miếu Mao Điền, đền thờ Khúc Thừa Dụ, đền Thanh Mai… đã đưa người đọc vào cõi tâm linh, với những câu chuyện sinh động, đôi khi huyền ảo, kỳ bí. Mới hay, để “gặp” và hiểu người xưa, trước hết, trên hết phải có tấm lòng thành kính, một căn cốt phụng thờ, ghi ơn, rồi niềm trăn trở, xa xót… 15 công trình văn hóa tâm linh tưởng nhớ tiền nhân hôm nay, đâu phải bỗng nhiên có được.
Phần II: Lời hậu thế
Nối tiếp phần I, tập hợp những văn tế, diễn văn, hội thảo khoa học… về các bậc tiền nhân xứ Đông và gắn bó với Hải Dương: Lê Đại Hành, Mạc Đĩnh Chi, Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Tuệ Tĩnh Thiền sư, Nguyễn Trãi, Văn miếu Mao Điền… là những cảm xúc tối linh, những khảo cứu khoa học nghiêm cẩn mà minh triết, những gợi mở có tính phát hiện. Đặc biệt, những tham luận về Côn Sơn và Nguyễn Trãi, về Chu Văn An, Tuệ Tĩnh thần y, Khúc Thừa Dụ… có những kiến giải và phát hiện xứng tầm những công trình khoa học.
Nếu như phần III: Dấu ấn tháng năm và phần IV: Phút nhập đồng
Cho người đọc thấy một phần đời tư của tác giả và những mối quan hệ tất yếu: Một thầy giáo địa lý từng dạy học ở tuyến lửa Vĩnh Linh thời đánh Mỹ, về tham gia giảng dạy ở quê nhà, rồi rẽ sang làm quản lý, từ Bí thư Huyện ủy Cẩm Giàng, đến Phó Chủ tịch tỉnh Hải Dương, phụ trách văn hóa, xã hội… Con người ấy, vùng quê ấy, gia đình, bạn bè ấy, tất yếu sẽ được cung thỉnh tiền nhân và thay mặt hậu thế bày tỏ với người xưa.
Phần kết của sách, phần V: Tấm lòng bầu bạn
Như một Lời bạt, là tâm sự, gửi gắm của bạn bè với tác giả, bởi những đóng góp rất đáng ghi nhận của Nguyễn Hữu Oanh với những công trình văn hóa tâm linh để ghi ơn các anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hóa, nhà khoa học, y học của xứ Đông mà ông đã cùng lãnh đạo chính quyền và nhân dân Hải Dương đã xây dựng trong những năm qua.
Xin chào đón các bạn độc giả và quý thày cô đến Thư viện THCS Cẩm Văn tìm đọc cuốn sách Văn hiến xứ Đông như một quà tặng của xứ Đông địa linh nhân kiệt, giàu đẹp, văn hiến và luôn chào đón bè bạn gần xa.